Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Vì sao cứ phải phụ thuộc thị trường Trung Quốc ?



(Người nông dân trồng thanh long là đối tượng chịu thiệt thòi)


Tại kì họp HĐND tỉnh Bình Thuận diễn trong hai ngày 2-3.12, nhiều đại biểu bất ngờ khi biết được trái thanh long của Bình Thuận bị rớt giá thê thảm. Ông Võ Kỳ Tập- Trưởng Ban kinh tế ngân sách của HĐND tỉnh trong bài thảo luận của mình, nêu rõ “giá thanh long từ 10.000 đồng nay chỉ còn 4.000 đồng/kg. Sở dĩ có như vậy là vì miền nam Trung Quốc, nơi tiêu thụ đến 70 % sản lượng trái thanh long Bình Thuận bắt đầu chớm vào mùa đông”. Mùa đông nên lạnh giá, người Trung Quốc không ăn trái cây nhiều như các mùa khác, nên họ mua ít và ép giá các thương lái từ Việt Nam. Theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, hiện nay tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) có hàng chục xe container của các doanh nghiệp Bình Thuận chở thanh long sang Trung Quốc nhưng bị ép giá quá thấp, đang “nằm vạ” tại biên giới. Phần thì tiếc, phần thì muốn nghe ngóng chờ đợi tăng giá, nên các doanh nghiệp không chịu giao hàng. Và dĩ nhiên, nếu thời gian chờ đợi kéo dài thì trái thanh long sẽ hư hỏng. Lúc đó không chỉ lỗ, mà còn có nguy cơ mất trắng hàng trăm tấn hàng.
Đối với trái thanh long Bình Thuận, đã có sự cam kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục giám sát chất lượng -Thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc kí kết. Danh sách tất cả các nhà vườn thanh long của Bình Thuận đã được lập và gửi cho phía Trung Quốc. Nhưng rủi ro về giá cả cứ luôn xảy ra, gây ức chế và thiệt hại lớn cho người nông dân trồng thanh long Bình Thuận. Hầu như năm nào cũng có một, hai đợt thanh long sang Trung Quốc tự nhiên “giảm giá đột ngột”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ một cơ sở thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, nhận định: Thanh long mùa này chủ yếu là trái mùa do chạy điện thắp sáng kích thích ra trái, nên đầu tư rất lớn. Với giá xuất tại vườn khoảng 10.000 đồng thì người nông dân may ra không lỗ. Nhưng do không xuất được hàng sang Trung Quốc và có thì cũng rất ít, nên bắt buộc các đầu nậu phải giảm giá. Đối với những doanh nghiệp vừa sản xuất vừa xuất khẩu, có xe tự vận chuyển mới dám xuất thanh long đi Trung Quốc những ngày này. Ngoài ra tất cả phải chịu chung số phận là lỗ ! Chị Ngọc còn cho biết, ở huyện Hàm Thuận Nam (thủ phủ thanh long của cả nước) đã có nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ ngân hàng vì lỡ mua hàng trăm tấn hàng xuất đi Trung Quốc. Nhiều tay mối lái người Trung Quốc đến tận vườn thanh long của Bình Thuận đặt hàng mua một giá, nhưng khi đem hàng đến Lạng Sơn thì họ lại hạ giá xuống rất xa với lý do thị trường nội địa ít ăn hàng do mùa đông đã về.

Câu chuyện mùa đông chớm về miền nam Trung Quốc không phải là hiện tượng lạ về thời tiết. Nó diễn ra theo qui luật của đất trời và năm nào cũng thế. Tại sao lại có chuyện chớm đông thì hạ giá thanh long thê thảm như thế ? Thanh long vào thị trường Trung Quốc chủ yếu (hầu như 100%) qua đường tiểu ngạch. Tức buốn bán theo kiểu sang tay ngay tại biên giới. Thử tính một bài toán đơn giản: Hiện nay diện tích thanh long của Bình Thuận gần 11.000 ha. (Lớn hơn diện tích thanh long của cả hai tỉnh Long An và Tiền Giang cộng lại). Mỗi năm Bình Thuận sản xuất từ 150 nghìn đến 200 nghìn tấn thanh long quả. Trong 70 % số sản lượng ấy phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Với mức giá từ 10.000 đồng xuống 4.000/kg thời điểm hiện nay thì sẽ mất bao nhiêu tiền của người nông dân ?
Ông Huỳnh Văn Tí- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị Bình Thuận, trong phiên họp ngày 3.12, đã đặt câu hỏi và phê bình các cơ quan chức năng, “tại sao không có những cảnh báo cho người trồng thanh long, là mùa này thì Trung Quốc ít ăn hàng ?”. Để không có cảnh khóc dở mếu dở của người trồng thanh long như hôm nay. Nhưng không có bất cứ một vị giám đốc nào trả lời về điều này trong nghị trường.
Trái thanh long Bình Thuận từng được tung hứng khi thị trường Đông Âu, Mỹ và gần đây nhất là Nhật Bản mở cửa đón nhận. Nhưng lượng hàng xuất đi các nước này chẳng đáng là bao so với đi Trung Quốc. Rõ ràng là thị trường Trung Quốc cho dù hút hàng đến bao nhiêu thì vẫn là một thị trường đầy rủi ro với người trồng thanh long. Tại sao thanh long Việt Nam cứ phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ?

QUẾ HÀ

Không có nhận xét nào: