Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Đằng sau vụ thầy giáo Đại học Nông lâm bị tạt a-xít.

Một cách nhìn khác sau vụ thầy giáo bị tạt Axít.
Dĩ nhiên, hành vi của “SV già” Trần Xuân Thanh, tạt Axít vào thầy Phó khoa Đặng Hiếu Dũng (Đại học Nông lâm Tp.HCM) là không thể chấp nhận và đáng lên án.
Tuy nhiên, khoan không nói đến việc vi phạm đạo đức của SV thất đức có tên Thanh, vì chuyện đó trước sau gì cũng có pháp luật trừng trị. Ở đây chỉ bàn chuyện Sinh viên già, học mãi không được ra trường.
Thực tế hiện nay, có SV học tới 6-7 năm, thậm chí lâu hơn vẫn không được ra trường. Có bạn thi đến lần thứ 3 vẫn không thoát được “án tử” của các thầy về môn học nào đó. Cha mẹ, anh em, bạn bè sẽ nghĩ gì khi mình học mãi mà vẫn không có bằng. Cuộc sống ở quê là rất khốn khó, nhưng cha mẹ vẫn vun vén từng đồng để nuôi mình mỗi ngày bước lên giảng đường đại học.
Nhưng báo đáp cha mẹ như thế nào khi mà mình học 6-7 năm vẫn chưa bước ra khỏi trường đại học. Rớt những môn lại không phải là chuyên môn chính của mình thì lại càng là một nỗi đau khác. Nếu bạn là một SV học hoài mà không ra được trường, chắc bạn sẽ hiểu sự nông cạn của SV già người Thanh Hoá có tênTrần Xuân Thanh. Tôi nghĩ, sau sự việc này, có thể là một hồi chuông để các trường Đại học cảnh tỉnh những SV học hoài mà không chịu ra trường. Nhưng ở góc độ nào đó, cũng nhắc nhở các thầy đại học nên xem lại sự thái quá của mình. Không vì chuyện nhỏ bé nào đó mà làm hư hỏng cuộc đời một con người khi họ còn rất trẻ tuổi. Mức điểm số 4 hay số 5 không phải là con điểm quá xa khi nó không phải là điểm môn chính mà SV theo đuổi một ngành học. Tôi nghĩ, cuộc đời này không phải ai cũng giỏi và ngành, nghề nào cũng giỏi, ngay cả các thầy. Kể cả các ông thầy được cho là giỏi, không phải vị thầy nào cũng có thành tích học tập thật giỏi trước khi bước lên bục giảng. Sự cố gắng của con người không chỉ từ hôm nay, mà nó còn ghi dấu ấn của một con người không chỉ ngày nay, ngày mai, mà là sự kiên trì bền bỉ trong một thời gian dài từ rất lâu, lâu lắm.
Đừng kìm hãm cuộc đời một con người khi thiếu sót của họ chỉ là một lỗ hổng.

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2009

Phản hồi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện



Mới đây, trên Tuần Việtnamnet, một người bạn của tôi, Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện có bài viết phản ánh, sau đúng 1 năm Hà Tây nhập vào Hà Nội đã có những “lệch” về văn hoá vùng miền do quên chú ý đến Hà Tây
Đọc xong bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện , tôi chỉ xin có 3 ý kiến nhỏ sau:
Thứ nhất, việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội không nằm ngoài xu thế đô thị hoá các trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội như Thủ đô của nhiều quốc gia khác, chứ không riêng gì thủ đô nước ta. Chúng ta đang tiến đến một đất nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Điều tất yếu là diện tích, hay nói theo cách của TS Diện, là vùng nông thôn chắc chắn sẽ bị thu hẹp lại. “Xét một cách toàn diện”, người dân các vùng nông thôn như Hà Tây cũng được hưởng những nét văn hoá đặc sắc mà chỉ có vùng kinh thành mới có. Sự cân bằng hay kéo ngắn khoảng cách nền văn hoá trong một vùng miền của đất nước ta sẽ có được từ đây.
Thứ hai, việc “Hà Tây về Hà Nội” là sự giao thoa của các nền văn hoá không khác nhau là mấy. Trên thực tế, khi Hà Nội chưa “kéo” Hà Tây về thì các vùng ven của Thủ đô vẫn có những nét đồng quê, luỹ tre, bờ đê, tương tác với nền văn hoá xứ Đoài. Dĩ nhiên là sự đồng nhất trong mỗi vùng miền của văn hoá Việt là rất đa sắc màu bởi bản chất nền văn hoá chúng ta là thế.
Thứ ba, tôi đồng nhất với quan điểm của TS Diện bởi lẽ, sau khi Hà Tây về Hà Nội thì nền văn hoá Hà Tây nói chung và nền văn hoá xứ Đoài nói riêng không còn là điểm nhấn đặc sắc. Đơn thuần bởi nó không chỉ bị “đập ra xây mới” mà là do nhận thức của chính chúng ta. Chúng ta ở đây chủ yếu nói đến những nhà quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Nếu không gìn giữ được “cái riêng” thì “cái chung” sẽ dần bị mờ nhạt và thu hẹp từ không gian, thời gian đến tính chất của nó. Xin nói lại, nền văn hoá Việt là nền văn hoá đa sắc dựa trên nền văn hoá của cả 53 dân tộc anh em khác chứ không riêng của người Kinh. Nhưng cũng phải nói lại, nền văn hoá làng, chùa chiền, miếu mạo là cốt cách của nền văn minh lúa nước mà bao đời nay ông cha ta để lại. Nếu nó bị lu mờ sẽ đồng nghĩa với truyền thống của cha ông ta sẽ mất dần. Thế hệ con cháu chúng ta sau mười, hai mươi năm nữa sẽ ra sao khi hôm nay tính truyền thống của ông cha ta đang bị quên lãng.
QUẾ HÀ