Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009

Chiếc Notton *(ảnh trên) cáu cạnh và chiếc Solex3300 nghênh tiếp du khách

Thú chơi xe “độc” ở Tiến Đạt resort.
Tiến Đạt Resort, một khu du lịch 3 sao ở P. Hàm Tiến (TP. Phan Thiết, Bình Thuận) không đơn thuần chỉ là một trong rất nhiều khu nghỉ mát ở “thủ đô resort” Việt Nam. Bởi vì, ông chủ của khách sạn này còn là một tay chơi xe cổ sành điệu có tên tuổi của Việt Nam.

Trong bãi xe trưng bày tại cổng, ông chủ tiến Đạt “chỉ cho xuất hiện” khoảng 25 chiếc xe từ “cực kì cổ, cho đến cổ”. Đấy là chưa kể trong kho của ông chủ này còn khoảng 30 chiếc khác nằm đắp mền, thuộc diện “bí mật” không xuất hiện.
Anh Dũng, một trợ lí giám đốc của Tiến Đạt dẫn tôi đi xem và hướng dẫn tỉ mỉ về xuất xứ, cấu tạo của từng chiếc xe cổ. Là người không có chuyên môn, tôi chỉ còn cách là ghi chép lại không thiếu một chi tiết gì về từng chiếc xe “độc” ở đây. Ngay trên bệ cửa của resort, hai chiếc “con cưng” thuộc diện cổ nhất Việt Nam được ông chủ nghênh tiếp dân chơi xe, mà nói theo cách nói của một nhân viên là “dân chơi xe ai cũng thèm hai chiếc này”. Đó là chiếc Solex 3300 và chiếc Mobylette không tự động của Pháp. Anh Dũng cho biết, chiếc xe Solex 3300 và Mobylette này có từ những năm 1950 của thế kỉ trước. Đây là dòng xe sản xuất dành riêng cho nữ sinh viên Pháp thời đó. Ngay sau đó, loại xe này lần đầu tiên được xuất hiện ở Hà Nội. Thời đó, một nữ sinh Hà Nội đi trên chiếc Solex 3300 chỉ có con nhà quí phái mới có thể sở hữu. “Một thiếu nữ mặc áo dài mà cưỡi con xe này thời đó thì còn gì bằng”- anh Dũng kể. Điều ngạc nhiên là chiếc Solex 3300 vẫn bóng loáng và nổ máy chạy tốt. Giới thiệu về dòng xe Sachs, anh Dũng nói: Theo ông chủ của tôi, dòng Sachs có nhiều đời như Goebel, Capri, Rumi và Follis, nhưng trong đó dòng xe Goebel (gô- ben) là thông dụng nhất ở Sài Gòn thập niên 60- 70. Hồi ấy dân Sài Gòn thịnh xe này hơn dân Hà Nội.

Riêng dòng xe Mobylette, Tiến Đạt trưng bày đến 6 chiếc, còn nước sơn “zin”. Các đời cổ nhất như đời 3 sườn, đến các đời sau này đều có. Đặc biệt, chiếc Notton 150 CC sản xuất từ năm 1960 của Tiến Đạt vẫn còn “Zin 100%” và cáu cạnh dưới bàn tay trau truốt của một tay bảo trì chuyên nghiệp. Dòng xe này cực kì hiếm vì người Việt thời những năm 60- 70 ít sử dụng mà chỉ người Tây mang sang Việt Nam để đi lại trong thành phố. Anh Dũng cho biết, để bảo trì cho vài chục chiếc xe cổ ở đây, ông chủ đã thuê hẳn một người thợ cực kì am hiểu về xe cổ đến tu sửa hằng ngày với chế độ riêng cho từng chiếc, hay từng dòng xe khác nhau.
Không chỉ hiển hiện những chiếc xe “độc” từ những năm 50 của thế kỉ trước như Motobecane (của Đức), Sachs (của Ý) hay Peugeot (Pháp) mà hiện nay Tiến Đạt bắt đầu “gom” cả những dòng xe của Đông Âu sản xuất thời những năm 1960- 1970 như MZ 250 (của Đông Đức), Jawa 350 của Tiệp Khắc cũ…Mỗi chiếc xe cổ được ông chủ ở đây mua về với giá ít nhất cũng vài nghìn đô-la, anh Dũng nói. Tuy nhiên, cái quan trọng là sự đam mê của người chơi, chứ nó thì vô giá - anh Dũng cho biết. Ông chủ Tiến Đạt có mặt hầu như khắp mọi nơi để tìm xe cổ. Bằng chứng là gần 60 chiếc xe cổ ở Tiến Đạt hiện nay có các biển số khắp nơi từ Hoà Bình, Lạng Sơn, Đăk Lăk, Tiền Giang, Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Có những du khách nước ngoài khi đến đây nghỉ mát đã xin được mua lại một chiếc đem về nước làm kỉ niệm, nhưng đều bị ông chủ từ chối, một nhân viên ở đây khoe.
Không chỉ chơi xe gắn máy, môtô cổ, Tiến Đạt resort hiện còn sở hữu những chiếc ôtô Zepp của Mỹ. Đặc biệt, chiếc ôtô 4 bánh hiệu Traika của Liên Xô cũ, một dòng ô tô không sản xuất nhiều. Anh Nho - Giám đốc điều hành Tiến Đạt resort cho biết, đây là dòng xe “xịn” hơn cả Lada, nó chỉ được sản xuất theo đơn đặt hàng. Dòng xe này được thiết kế cực kì chắc chắn với động cơ mạnh và cửa xe có thể chống đạn bắn tỉa. Chiếc Traika 4 chỗ ở Tiến Đạt đã được đeo biển số 86H của Bình Thuận. Đây chính là chiếc xe từng phục vụ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam. Hiện nay dòng xe này còn một chiếc nữa do một tay chơi Hà Thành (Hà Nội) lưu giữ.
(bài này đáng lẽ đăng ở Tuần San của Thanh Niên, nhưng bị loại thì cho lên Blog mình. khakhakha)

Không có nhận xét nào: