Thứ Hai, 3 tháng 8, 2009

Phản hồi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện



Mới đây, trên Tuần Việtnamnet, một người bạn của tôi, Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện có bài viết phản ánh, sau đúng 1 năm Hà Tây nhập vào Hà Nội đã có những “lệch” về văn hoá vùng miền do quên chú ý đến Hà Tây
Đọc xong bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện , tôi chỉ xin có 3 ý kiến nhỏ sau:
Thứ nhất, việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội không nằm ngoài xu thế đô thị hoá các trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội như Thủ đô của nhiều quốc gia khác, chứ không riêng gì thủ đô nước ta. Chúng ta đang tiến đến một đất nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Điều tất yếu là diện tích, hay nói theo cách của TS Diện, là vùng nông thôn chắc chắn sẽ bị thu hẹp lại. “Xét một cách toàn diện”, người dân các vùng nông thôn như Hà Tây cũng được hưởng những nét văn hoá đặc sắc mà chỉ có vùng kinh thành mới có. Sự cân bằng hay kéo ngắn khoảng cách nền văn hoá trong một vùng miền của đất nước ta sẽ có được từ đây.
Thứ hai, việc “Hà Tây về Hà Nội” là sự giao thoa của các nền văn hoá không khác nhau là mấy. Trên thực tế, khi Hà Nội chưa “kéo” Hà Tây về thì các vùng ven của Thủ đô vẫn có những nét đồng quê, luỹ tre, bờ đê, tương tác với nền văn hoá xứ Đoài. Dĩ nhiên là sự đồng nhất trong mỗi vùng miền của văn hoá Việt là rất đa sắc màu bởi bản chất nền văn hoá chúng ta là thế.
Thứ ba, tôi đồng nhất với quan điểm của TS Diện bởi lẽ, sau khi Hà Tây về Hà Nội thì nền văn hoá Hà Tây nói chung và nền văn hoá xứ Đoài nói riêng không còn là điểm nhấn đặc sắc. Đơn thuần bởi nó không chỉ bị “đập ra xây mới” mà là do nhận thức của chính chúng ta. Chúng ta ở đây chủ yếu nói đến những nhà quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Nếu không gìn giữ được “cái riêng” thì “cái chung” sẽ dần bị mờ nhạt và thu hẹp từ không gian, thời gian đến tính chất của nó. Xin nói lại, nền văn hoá Việt là nền văn hoá đa sắc dựa trên nền văn hoá của cả 53 dân tộc anh em khác chứ không riêng của người Kinh. Nhưng cũng phải nói lại, nền văn hoá làng, chùa chiền, miếu mạo là cốt cách của nền văn minh lúa nước mà bao đời nay ông cha ta để lại. Nếu nó bị lu mờ sẽ đồng nghĩa với truyền thống của cha ông ta sẽ mất dần. Thế hệ con cháu chúng ta sau mười, hai mươi năm nữa sẽ ra sao khi hôm nay tính truyền thống của ông cha ta đang bị quên lãng.
QUẾ HÀ

1 nhận xét:

Nguyễn Xuân Diện nói...

Ah. thì ra bác phản hồi trên trang nhà của bác. Bác viết như một nhà tuyên giáo! Nên rất thú vị