Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2009

Khi nhà báo làm thơ về mẹ !

Nhà báo viết thơ về mẹ không phải hiếm. Nhưng để có được một bài thơ hay, thậm chí là bài thơ mang dấu ấn của riêng mình, không phải nhà báo nào cũng làm được.

1. Nguyễn Việt Chiến, một nhà báo quá nhiều người đã biết trong vụ PMU 18. Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến một Nguyễn Việt Chiến trong bài thơ về mẹ: Những ngôi chùa trong đêm !(*) Bài thơ anh sáng tác trong một hoàn cảnh rất đặc biệt- trong tù !

Người mẹ trong bài thơ anh viết chính là mẹ mình. Một người mẹ luôn theo dõi từng bước đi của con. Những lúc túng quẫn nhất cũng là những lúc anh nhớ thương về mẹ nhiều nhất.

Mẹ đang cầu nguyện
mỏi mòn chuỗi hạt tháng năm
bóng mẹ in trên vách thời gian
như pho tượng tạc bằng nước mắt
Mẹ bảo : nước mắt ban ngày chảy xuôi đánh thức những ngôi đền,
còn ban đêm nước mắt chảy ngược vào trong
thấm đến một miền đức tin cứu rỗi.

Lời mẹ dạy như một chân lý chói ngời theo từng bước con đi. Với Nguyễn Việt Chiến “nước mắt không bao giờ ngừng chảy”. Vì thế, “Có ngôi đền chỉ làm bằng nước mắt. Có ngôi đền chỉ xây bằng đức tin. Có ngôi đền làm bằng lời cầu nguyện”. Ngôi đền mà mẹ dạy Nguyễn Việt Chiến chính là niềm tin vào chân lý và tương lai tươi sáng của ngày mai. Khi con người bị đẩy lùi vào bến khổ sở của cuộc đời, thì cũng là khi chúng ta nghĩ đến mẹ. Đó là cốt cách, là chân lý. Chỉ có mẹ mới có thể giúp ta vượt qua bóng tối của chính mình. Tác giả đã khéo léo khi so sánh ngôi chùa trong thơ như búp sen của Đức Phật. Nó vén lên cái bóng đêm u ám tưởng chừng không thể nào cứu rỗi.

Ở nơi cao sang nhất, hay thấp hèn nhất, người luôn ở bên ta. Đó chính là mẹ. Hình ảnh người mẹ già tụng kinh cầu nguyện cho con trong đêm đông giá lạnh. Dù ở trong lao tù nhưng Nguyễn Việt Chiến vẫn cảm nhận được tình yêu mà mẹ dành cho mình :

Mẹ ngồi, hai vạt áo nâu
Hương ba nén thắp, khói cầu nguyện bay.


Những ngôi chùa trong đêm
nhân bản và thánh thiện đến bất ngờ. Nó thể hiện được ý chí vươn tới một khát vọng sống mãnh liệt. Điều đó có thể chưa lột tả hết tính nhân văn mà bài thơ Nguyễn Việt Chiến khắc hoạ những gian truân anh từng nếm trải thông qua hình ảnh mẹ mình.

(*)Bài thơ đã đăng trên báo Văn Nghệ.

2. Khác với Nguyễn Việt Chiến, Đặng Ngọc Khoa là một tay nhà báo lãng du và phóng khoáng. Người đọc không lạ những phóng sự xuyên Việt, thậm chí xuyên Đông Dương của anh trên Thanh Niên. Một Đặng Ngọc Khoa trường kì theo đuổi lối viết phóng sự đặc tả bay bướm nhưng khá mạch lạc. Ở lĩnh vực thơ, anh lại hoàn toàn khác. Thơ anh ngắn gọn và dễ cảm thụ. Một bài thơ ngắn mà Đặng Ngọc Khoa viết về mẹ khi về thăm quê chiều mùng Hai tết, làm nhiều người xúc động. Đó là bài thơ Nhớ mẹ.

Ngày Tết
đi qua hàng trầu cau
bỗng nhớ
Mẹ ta xưa ăn trầu môi đỏ
Cái cối xay
Cái ông bình vôi
Còn hằn dấu vân ngón cái.

Một người mẹ Quảng Nam như bao người mẹ khác. Nhưng khi nhớ về mẹ, tác giả nhớ đến những kỉ vật rất đỗi thân quen: Vườn trầu, cối ngoáy trầu, bình vôi. Nó thân quen đến mức tác giả còn nhìn thấy cả dấu vân tay của mẹ mình dính trên cối trầu !

trăm năm, hay nghìn năm, nếu không còn mẹ thì ta cũng chỉ như một cánh cò lẻ loi trên cánh đồng mồ côi. Một triết lý sống mà anh nhắc lại không bao giờ là cũ.

Chiều mùng Hai tết, tác giả có cảm giác hẫng hụt khi về thăm quê mà không còn nhìn thấy mẹ. Một hình ảnh thật xúc động khi tác giả viết:

Chiều mùng Hai

Con một mình về quê

Tay cầm miếng trầu

lặng lẽ.

Biết tìm đâu đôi bàn tay mẹ.

Đặt lên chữ hiếu muộn màng !

Nỗi nhớ mẹ của Đặng Ngọc Khoa càng trở nên day dứt. Nó thể hiện đầy đủ dù chỉ trong hai câu thơ cuối bài. Mẹ, với ai cũng là điều thiêng liêng và cao cả. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau không còn mẹ. Sự hối hận muộn màng của đứa con xa quê càng làm tứ thơ sâu hơn trong cảm xúc. Phải chăng những năm phiêu bạt đã làm nên một Đặng Ngọc Khoa trong cốt cách của bài thơ này.

Quế Hà

Không có nhận xét nào: