Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009
Nhớ mùa hoa cải vàng bên dòng sông Lô quê mẹ !
(Cảm ơn em gái xinh xinh đã cho anh những cảm xúc ngẫu hứng)
Nhớ những mùa hoa cải vàng nở rực bên sông Lô quê mẹ. Em cắp cặp trên đê, tóc dài đung đưa theo gió. Những rặng tre ngà rủ xuống bên bờ sông mẹ như hoà quện vào bóng em trên đường đến trường. Nắng mới đông soi hồng đôi gò má cao gầy của em, co gái miền Trung du thường hay để tóc dài. Mới đó mà dòng sông đã già, già thật. Ngày trở lại bến sông, anh không còn thấy những bãi hoa cải vàng bạt ngàn bên sườn đê, cũng không thấy em với tà áo dài thướt tha trong gió. Nhưng vẫn còn đó, bụi tre già như đứng chờ anh không ngủ. Tất cả hình như đã lùi vào dĩ vãng. Bây giờ, với anh những mùa hoa cải vàng chỉ còn trong sách vở. Gần hai mươi lăm năm xa quê, những mùa hoa cải vàng vẫn giấu chặt trong kí ức anh, một đứa học trò bên dòng sông quê nghèo khó. Nhìn màu hoa cải vàng trong sắc đông giá lạnh, anh lại nghĩ đến mẹ và em. Hình như chỉ có mẹ và em, cứ sống trong kí ức những mùa hoa cải của đời sống thực mà anh thầm mong nhớ ! Trước mặt anh là biển xanh Phan Thiết sóng trập trùng vô tận. Nhưng ngoài kia, anh vẫn thấy hình bóng em đi giữa triền sông trong màu tươi của hoa cải ở sông Lô quê mình.
Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009
Vì sao cứ phải phụ thuộc thị trường Trung Quốc ?
(Người nông dân trồng thanh long là đối tượng chịu thiệt thòi)
Tại kì họp HĐND tỉnh Bình Thuận diễn trong hai ngày 2-3.12, nhiều đại biểu bất ngờ khi biết được trái thanh long của Bình Thuận bị rớt giá thê thảm. Ông Võ Kỳ Tập- Trưởng Ban kinh tế ngân sách của HĐND tỉnh trong bài thảo luận của mình, nêu rõ “giá thanh long từ 10.000 đồng nay chỉ còn 4.000 đồng/kg. Sở dĩ có như vậy là vì miền nam Trung Quốc, nơi tiêu thụ đến 70 % sản lượng trái thanh long Bình Thuận bắt đầu chớm vào mùa đông”. Mùa đông nên lạnh giá, người Trung Quốc không ăn trái cây nhiều như các mùa khác, nên họ mua ít và ép giá các thương lái từ Việt Nam. Theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, hiện nay tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) có hàng chục xe container của các doanh nghiệp Bình Thuận chở thanh long sang Trung Quốc nhưng bị ép giá quá thấp, đang “nằm vạ” tại biên giới. Phần thì tiếc, phần thì muốn nghe ngóng chờ đợi tăng giá, nên các doanh nghiệp không chịu giao hàng. Và dĩ nhiên, nếu thời gian chờ đợi kéo dài thì trái thanh long sẽ hư hỏng. Lúc đó không chỉ lỗ, mà còn có nguy cơ mất trắng hàng trăm tấn hàng.
Đối với trái thanh long Bình Thuận, đã có sự cam kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục giám sát chất lượng -Thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc kí kết. Danh sách tất cả các nhà vườn thanh long của Bình Thuận đã được lập và gửi cho phía Trung Quốc. Nhưng rủi ro về giá cả cứ luôn xảy ra, gây ức chế và thiệt hại lớn cho người nông dân trồng thanh long Bình Thuận. Hầu như năm nào cũng có một, hai đợt thanh long sang Trung Quốc tự nhiên “giảm giá đột ngột”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ một cơ sở thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, nhận định: Thanh long mùa này chủ yếu là trái mùa do chạy điện thắp sáng kích thích ra trái, nên đầu tư rất lớn. Với giá xuất tại vườn khoảng 10.000 đồng thì người nông dân may ra không lỗ. Nhưng do không xuất được hàng sang Trung Quốc và có thì cũng rất ít, nên bắt buộc các đầu nậu phải giảm giá. Đối với những doanh nghiệp vừa sản xuất vừa xuất khẩu, có xe tự vận chuyển mới dám xuất thanh long đi Trung Quốc những ngày này. Ngoài ra tất cả phải chịu chung số phận là lỗ ! Chị Ngọc còn cho biết, ở huyện Hàm Thuận Nam (thủ phủ thanh long của cả nước) đã có nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ ngân hàng vì lỡ mua hàng trăm tấn hàng xuất đi Trung Quốc. Nhiều tay mối lái người Trung Quốc đến tận vườn thanh long của Bình Thuận đặt hàng mua một giá, nhưng khi đem hàng đến Lạng Sơn thì họ lại hạ giá xuống rất xa với lý do thị trường nội địa ít ăn hàng do mùa đông đã về.
Câu chuyện mùa đông chớm về miền nam Trung Quốc không phải là hiện tượng lạ về thời tiết. Nó diễn ra theo qui luật của đất trời và năm nào cũng thế. Tại sao lại có chuyện chớm đông thì hạ giá thanh long thê thảm như thế ? Thanh long vào thị trường Trung Quốc chủ yếu (hầu như 100%) qua đường tiểu ngạch. Tức buốn bán theo kiểu sang tay ngay tại biên giới. Thử tính một bài toán đơn giản: Hiện nay diện tích thanh long của Bình Thuận gần 11.000 ha. (Lớn hơn diện tích thanh long của cả hai tỉnh Long An và Tiền Giang cộng lại). Mỗi năm Bình Thuận sản xuất từ 150 nghìn đến 200 nghìn tấn thanh long quả. Trong 70 % số sản lượng ấy phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Với mức giá từ 10.000 đồng xuống 4.000/kg thời điểm hiện nay thì sẽ mất bao nhiêu tiền của người nông dân ?
Ông Huỳnh Văn Tí- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị Bình Thuận, trong phiên họp ngày 3.12, đã đặt câu hỏi và phê bình các cơ quan chức năng, “tại sao không có những cảnh báo cho người trồng thanh long, là mùa này thì Trung Quốc ít ăn hàng ?”. Để không có cảnh khóc dở mếu dở của người trồng thanh long như hôm nay. Nhưng không có bất cứ một vị giám đốc nào trả lời về điều này trong nghị trường.
Trái thanh long Bình Thuận từng được tung hứng khi thị trường Đông Âu, Mỹ và gần đây nhất là Nhật Bản mở cửa đón nhận. Nhưng lượng hàng xuất đi các nước này chẳng đáng là bao so với đi Trung Quốc. Rõ ràng là thị trường Trung Quốc cho dù hút hàng đến bao nhiêu thì vẫn là một thị trường đầy rủi ro với người trồng thanh long. Tại sao thanh long Việt Nam cứ phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ?
QUẾ HÀ
Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009
Tấm ảnh bị vi phạm nhiều lần !
Tôi cảnh báo, tấm ảnh này của tôi đã đăng trên báo của tôi (báo Thanh Niên) nhưng đã có vài tờ báo "nhớn" vi phạm là lấy ảnh này mà không ghi rõ nguồn. Hôm nay lại thấy quả tang hai tờ là Lao động và "Ông to VTV" sử dụng "chùa" tấm ảnh này. Đây là tấm ảnh tôi chụp tại cây số 14, huyện Hàm Thuận Nam,tỉnh Bình Thuận khi bắt gặp hai cha con người nông dân thu hoạch thanh long (còn trong máy của tôi). Một tấm ảnh như vậy, với người làm báo chuyên nghiệp là không lớn. Nhưng các bạn không nên xài chùa như thế. Ảnh của tôi chụp (và đăng)trên báo Thanh Niên mà không đăng ở bất cứ tờ báo nào khác. Kính mong các bác gỡ xuống ngay,hoặc muốn xài chùa cho đỡ tốn kém thì phải ghi rõ nguồn. Nếu không tôi sẽ phải nhờ đến Trung tâm bản quyền sở hữu trí tuệ giải quyết đấy. Trân trọng !
Đường Link Lao Động và VTV sử dụng chùa ảnh của tôi:
http://www.laodong.com.vn/Home/Tin-vui-cho-trai-thanh-long-Viet-Nam/200910/161039.laodong
http://www.vtv.vn/Article/Get/Thieu_nong_san_Viet_cho_nguoi_Viet_f16b5d171e.html
Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009
Vĩnh biệt Nhà báo, nhà thơ Đặng Ngọc Khoa !
Vĩnh biệt Đặng Ngọc Khoa lãng du !
Đặng Ngọc Khoa là một tay nhà báo lãng du và phóng khoáng. Bạn đọc không lạ những phóng sự xuyên Việt, thậm chí xuyên Đông Dương của anh trên Thanh Niên. Một Đặng Ngọc Khoa trường kì theo đuổi lối viết phóng sự đặc tả bay bướm nhưng khá mạch lạc. Ở lĩnh vực thơ, anh lại hoàn toàn khác. Thơ anh ngắn gọn và dễ cảm thụ. Một bài thơ ngắn mà Đặng Ngọc Khoa viết về mẹ khi về thăm quê chiều mùng Hai tết, làm nhiều người xúc động. Đó là bài thơ Nhớ mẹ. Mới hôm nào bên bờ biển Phan Thiết, anh đọc cho tôi nghe trong tiếng đệm đàn réo rắt của nhạc sĩ Diệp Chí Huy.
Ngày Tết
đi qua hàng trầu cau
bỗng nhớ
Mẹ ta xưa ăn trầu môi đỏ
Cái cối xay
Cái ông bình vôi
Còn hằn dấu vân ngón cái.
Một người mẹ Quảng Nam như bao người mẹ khác. Nhưng khi nhớ về mẹ, Khoa nhớ đến những kỉ vật rất đỗi thân quen: Vườn trầu, cối ngoáy trầu, bình vôi. Nó thân quen đến mức anh còn nhìn thấy cả dấu vân tay của mẹ mình dính trên cối trầu !
Dù trăm năm, hay nghìn năm, nếu không còn mẹ thì ta cũng chỉ như một cánh cò lẻ loi trên cánh đồng mồ côi. Một triết lý sống mà anh nhắc lại, không bao giờ là cũ.
Chiều mùng Hai tết, Khoa có cảm giác hẫng hụt khi về thăm quê mà không còn nhìn thấy mẹ. Một hình ảnh thật xúc động khi tác giả viết:
Chiều mùng Hai
Con một mình về quê
Tay cầm miếng trầu
lặng lẽ.
Biết tìm đâu đôi bàn tay mẹ.
Đặt lên chữ hiếu muộn màng !
Nỗi nhớ mẹ của Đặng Ngọc Khoa càng trở nên day dứt, khôn nguôi. Nó thể hiện đầy đủ dù chỉ trong hai câu thơ cuối bài. Mẹ, với ai cũng là điều thiêng liêng và cao cả. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau không còn mẹ. Sự hối hận muộn màng của đứa con xa quê càng làm tứ thơ sâu hơn trong cảm xúc. Phải chăng những năm phiêu bạt đã làm nên một Đặng Ngọc Khoa trong cốt cách của bài thơ này. Hôm nay, Đặng Ngọc Khoa đã trở về với mẹ. Anh đã về để têm trầu cho mẹ trong những ngày đông giá rét này. Phan Thiết nhớ anh những ngày săn voi Tánh Linh đầy khí thế. Thôi anh đi nhẹ nhàng nhé “đại ca tóc dài” của em . Vĩnh biệt anh !
Quế Hà (Như một nén nhang trầm tiễn đưa anh về têm trầu cho mẹ !)
Đặng Ngọc Khoa là một tay nhà báo lãng du và phóng khoáng. Bạn đọc không lạ những phóng sự xuyên Việt, thậm chí xuyên Đông Dương của anh trên Thanh Niên. Một Đặng Ngọc Khoa trường kì theo đuổi lối viết phóng sự đặc tả bay bướm nhưng khá mạch lạc. Ở lĩnh vực thơ, anh lại hoàn toàn khác. Thơ anh ngắn gọn và dễ cảm thụ. Một bài thơ ngắn mà Đặng Ngọc Khoa viết về mẹ khi về thăm quê chiều mùng Hai tết, làm nhiều người xúc động. Đó là bài thơ Nhớ mẹ. Mới hôm nào bên bờ biển Phan Thiết, anh đọc cho tôi nghe trong tiếng đệm đàn réo rắt của nhạc sĩ Diệp Chí Huy.
Ngày Tết
đi qua hàng trầu cau
bỗng nhớ
Mẹ ta xưa ăn trầu môi đỏ
Cái cối xay
Cái ông bình vôi
Còn hằn dấu vân ngón cái.
Một người mẹ Quảng Nam như bao người mẹ khác. Nhưng khi nhớ về mẹ, Khoa nhớ đến những kỉ vật rất đỗi thân quen: Vườn trầu, cối ngoáy trầu, bình vôi. Nó thân quen đến mức anh còn nhìn thấy cả dấu vân tay của mẹ mình dính trên cối trầu !
Dù trăm năm, hay nghìn năm, nếu không còn mẹ thì ta cũng chỉ như một cánh cò lẻ loi trên cánh đồng mồ côi. Một triết lý sống mà anh nhắc lại, không bao giờ là cũ.
Chiều mùng Hai tết, Khoa có cảm giác hẫng hụt khi về thăm quê mà không còn nhìn thấy mẹ. Một hình ảnh thật xúc động khi tác giả viết:
Chiều mùng Hai
Con một mình về quê
Tay cầm miếng trầu
lặng lẽ.
Biết tìm đâu đôi bàn tay mẹ.
Đặt lên chữ hiếu muộn màng !
Nỗi nhớ mẹ của Đặng Ngọc Khoa càng trở nên day dứt, khôn nguôi. Nó thể hiện đầy đủ dù chỉ trong hai câu thơ cuối bài. Mẹ, với ai cũng là điều thiêng liêng và cao cả. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau không còn mẹ. Sự hối hận muộn màng của đứa con xa quê càng làm tứ thơ sâu hơn trong cảm xúc. Phải chăng những năm phiêu bạt đã làm nên một Đặng Ngọc Khoa trong cốt cách của bài thơ này. Hôm nay, Đặng Ngọc Khoa đã trở về với mẹ. Anh đã về để têm trầu cho mẹ trong những ngày đông giá rét này. Phan Thiết nhớ anh những ngày săn voi Tánh Linh đầy khí thế. Thôi anh đi nhẹ nhàng nhé “đại ca tóc dài” của em . Vĩnh biệt anh !
Quế Hà (Như một nén nhang trầm tiễn đưa anh về têm trầu cho mẹ !)
Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)