Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

Hình ảnh cuối cùng của Nhà báo Đặng Ngọc Khoa ở Phan Thiết


Tấm ảnh cuối cùng của  Đặng Ngọc Khoa ở Phan Thiết.
(QH chụp anh Khoa bằng điện thoại Nokia 5610) 

1.
Tình cờ tìm lục trong cái thẻ nhớ cũ của máy điện thoại, tôi lại tìm ra được tấm hình ngẫu hứng của nhà báo Đặng Ngọc Khoa. Đây là lần cuối cùng khi anh và cậu con trai đến Phan Thiết vào năm 2008. Trong một cái quán gió ở Đồi Dương- Phan Thiết, cùng với những người bạn là nhạc sĩ Diệp Chí Huy; chị Kim Oanh (Đài truyền hình Bình Thuận); anh Út (Hai Lúa); anh Hải Hiến (Đảo Phú Quý) và tôi.
Chính trong cái quán đầy gió biển này, Đặng Ngọc Khoa đã cao hứng ngâm bài thơ “Nhớ Mẹ” mà anh viết trong một ngày xuân về quê thăm mẹ mình. Những cảm xúc ấy sau này tôi đã viết thành một cảm tác khi anh bỏ cõi này ra đi. Sau những phút cao hứng văn nghệ ấy, Đặng Ngọc Khoa đề nghị chúng tôi phải đưa anh đến một cái quán bánh canh ở góc chợ Phan Thiết. Anh nói, chính cái quán ấy là nơi giúp anh “đỡ đói lòng” trong những ngày tác nghiệp ở thành phố biển này. Anh Khoa và cả Diệp Chí Huy đã khen hết lời cái cô chủ quán bánh canh vì bánh ngon và chủ quán cũng …đẹp !

2.
 Một cuộc gặp gỡ hiếm hoi sau nhiều năm Đặng Ngọc Khoa quay trở lại Phan Thiết gặp những người bạn. Với Đặng Ngọc Khoa, Phan Thiết là nơi anh có nhiều kỉ niệm, đặc biệt là khi anh cùng các đồng nghiệp Lương Duy Cường (hiện nay công tác ở Người Lao Động), Hồ Việt Khuê (Tiền Phong) Hữu Thành (TTXVN) Phương Nam (Pháp Luật TPHCM), Huỳnh Thanh (Báo Bình Thuận) và môt số nhà báo khác tác nghiệp trong vụ săn đàn voi dữ ở Tánh Linh, bắt chuyển lên Buôn Đôn. Là người kế cận nhiệm vụ của Đặng Ngọc Khoa phụ trách địa bàn Bình Thuận, tôi từng nghe nhiều người dân hỏi về anh khi đi tác nghiệp. Thời gian gần đây, dù rất buồn nhưng tôi đều phải thông báo cho họ biết, “cái tay tóc dài lãng tử ấy không còn nữa”. Nhưng với họ, hình ảnh một nhà báo năng nổ luôn bênh vực cái nghèo, cái khó của dân, vẫn như đâu đó trong mảnh đất còn nghèo như Bình Thuận. Họ vẫn kể cho tôi nghe sự dấn thân của anh để bênh vực dân nghèo. Tôi thầm kính  phục vì bao nhiêu năm rồi mà người dân nghèo vẫn nhớ anh như thế.

3.
Trước đó vài năm, nhiều người dân ở Hàm Tân- Bình Thuận còn thân thiết với anh khi vụ án “Vườn điều” đang trong quá trình điều tra xét xử. Có lẽ 9 mẹ con nhà bà Nguyễn Thị Lâm (ở thị trấn Tân Minh- Hàm Tân, Bình Thuận) sẽ không thể nào quên nhà báo Đặng Ngọc Khoa, cho dù hôm nay anh đã về cõi vĩnh hằng, và 7 mẹ con bà Lâm đã được minh oan sau nhiều năm tù. Vụ án này chỉ còn con rể bà Lâm (Huỳnh Văn Nén) bị tù chung thân (trong vụ án khác) và một người con gái bà Lâm đã chết do bệnh. Chính “tay nhà báo tóc dài” này từng lặn lội từ Đồng Nai ra Bình Thuận, và ra thường xuyên để cùng các đồng nghiệp mau chóng làm sáng tỏ những khuất tất oan khiên cho cả một gia đình. Anh đã cùng với các đồng nghiệp phối hợp tốt với hai luật sư Trần Vũ Hải và Phạm Hồng Hải (Hà Nội) đưa vụ án Vườn điều từ “nói có” thành “nói không” trong cái án “có một không hai trong lịch sử tố tụng Việt Nam”- như lời của PGS-TS- Luật sư Phạm Hồng Hải.
4.
Hôm nay tình cờ tìm lại được tấm ảnh anh Đặng Ngọc Khoa, thì cũng là dịp mọi người nhớ đến Ngày Nhà báo Việt Nam. Với tư cách một “thằng em” của Đặng Ngọc Khoa (như lời anh hay giới thiệu với bè bạn khi về Phan Thiết) xin ghi lại đôi dòng, âu cũng là một chút kỉ niệm nhỏ về một người anh đồng nghiệp xấu số nhưng đẹp đời.
QUẾ HÀ

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010